SUY NIỆM CHÚA NHẬT TRUYỀN GIÁO | TRUYỀN GIÁO – MỘT SỨ MẠNG, MỘT TÌNH YÊU

16/10/2024
51

 

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Hằng năm, Giáo Hội cũng dành ngày Chúa nhật cuối tháng 10, để kêu gọi toàn thể dân Chúa, hướng về công cuộc truyền giáo của Giáo Hội. Sứ mạng truyền giáo luôn luôn là một trăn trở của Giáo Hội. Sở dĩ chúng ta nói như thế, bởi truyền giáo chính là bản chất của Giáo Hội. Nói truyền giáo là bản chất của Giáo Hội có nghĩa nghĩa là Giáo Hội sẽ không còn phải là Giáo Hội của Chúa Kitô nữa, nếu Giáo Hội đó không truyền giáo. Đây cũng là lệnh truyền của Chúa Phục sinh: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” ( Mc 16,15 ). Do đó, tất cả Kitô hữu được mời gọi làm cho sứ điệp cứu độ của Thiên Chúa ngày càng được truyền tới hết mọi người, thuộc mọi thời và mọi nơi.

Chúng ta có thể khẳng định với nhau rằng, chúng ta không thể cho ai cái mà ta không có. Truyền giáo là truyền Đạo mình cho người khác, mà truyền Đạo của mình chính là truyền Đức Kitô cho người khác. Như vậy, muốn truyền giáo cho ai đó, chúng ta trước tiên phải là người có Đức Kitô trong mình, như  ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận nhận định một cách đơn sơ trong cuốn Đường Hy Vọng:  “Tông đồ là người có Chúa Giêsu trong tim, có Chúa Giêsu trên miệng, có Chúa Giêsu trên tay, Chúa Giêsu trên mắt, Chúa Giêsu trên vai, Chúa Giêsu trên trán”. Nghĩa là cuộc đời mỗi một người Kitô hữu phản ảnh hình ảnh sống động của Chúa Giêsu qua cách sống, qua cách ứng xử lịch thiệp, chân thành, qua gương sáng về việc thờ phượng cũng như việc bác ái.

Muốn truyền giáo cần lấy Chúa Giêsu là đích điểm, là trung tâm mọi hoạt động và suy nghĩ. Hơn nữa, cần truyền giáo trong khiêm hạ thì mới đúng, mới tốt. Thật vậy, dù chúng ta có nói trời nói biển, dù có hát hay, làm việc giỏi, cuốn hút mọi người bằng sự duyên dáng, bằng sự thông minh khéo léo, dù có trở nên thần tượng của giới trẻ, dù có vận dụng cả một kho kiến thức để truyền giáo, nhưng không có Chúa trong cuộc đời, không lấy Chúa Giêsu là Đấng chỉ đạo thì cũng chỉ gây được ảnh hưởng nhất thời rồi người ta sẽ thấy nhạt nhẽo, vô vị và tất cả rồi sẽ sớm đi vào quên lãng. Vì “ không có Thầy anh em không thể làm gì được” ( Ga 15,5 ).

Có thể nói, có bao nhiêu con người thì có bấy nhiêu cách truyền giáo. Chúa Thánh Thần hoạt động nơi mỗi người mỗi khác nhau, nên việc truyền giáo thật phong phú vì có người được ơn này, có người được ơn khác. Việc truyền giáo không chỉ là những việc quen làm như một số việc đạo đức, đọc kinh, lần hạt, rước sách linh đình, không chỉ là giảng giải, là tuyên truyền mà còn bằng nhiều cách thế khác nhau. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI nhìn nhận rằng : “Con người ngày nay cần những chứng nhân hơn thầy dạy”. Có thể chúng ta chẳng cần phải nhiều lời để giảng giải về Đạo cho bạn bè, nhưng chính cuộc sống của chúng ta, cách sống của chúng ta, con người của chúng ta đã là một bài giảng rồi. Chính khi chúng ta sống vui vẻ, thật thà, khiêm tốn với mọi người là lúc chúng ta đang truyền giáo rồi. Những nghĩa cử bác ái của chúng ta như giúp đỡ người khác trong lúc ốm đau, hoạn nạn; ngay cả những cái bắt tay chân thành, những cái nhìn thông cảm của chúng ta đối với người khác, chúng ta làm với tất cả con tim, với tâm tình của Chúa Giêsu, những nghĩa cử đó sẽ vượt xa ý nghĩa xã giao, ngoại giao thông lệ.

Tóm lại, Cánh đồng truyền giáo thật bao la, rộng lớn và công việc truyền giáo thật phong phú và cần thiết. Truyền giáo là sứ mạng của mọi Kitô hữu. Chúng ta được mời gọi truyền giáo mọi nơi mọi lúc, bằng chính đời sống chứng tá của mình, theo cách thức truyền giáo khác nhau của mỗi người. Bằng nhiệt huyết của mình, sống Tin Mừng Đức Kitô, rao truyền Tin Mừng ấy đến cho mọi người chúng ta gặp gỡ. Ý thức được như vậy, chúng ta có thể nói mỗi người chúng ta có thêm một nghề nữa: nghề truyền giáo.

Cùng hưởng ứng sứ vụ chung của Giáo hội, mỗi Kitô hữu chúng ta hãy đóng góp công sức và tài năng của mình cho sứ vụ truyền giáo. Tùy theo từng môi trường, từng hoàn cảnh mà chúng ta có những cách thức truyền giáo khác nhau. Tuy nhiên, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng đòi hỏi phải có tinh thần hy sinh và nhẫn nại, không ngại gian khổ, sẵn sàng chấp nhận những mất mát nơi bản thân mình để sứ vụ loan báo Tin Mừng mỗi ngày một nhân rộng và lan xa. Hy vọng với những nỗ lực và cố gắng của từng người trong chúng ta, những người chưa biết Chúa sẽ có cơ hội trở về với Người và nhận ra tình thương của Thiên Chúa dành cho họ. Và chắc hẳn lòng hăng say sẽ làm cho chúng ta trở thành những tay thợ gặt lành nghề trong cánh đồng truyền giáo.

 

Lm. Giuse Phan Cảnh